Cơn lốc đang ở ngay ngưỡng cửa

Share on Facebook0Tweet about this on Twitter0Pin on Pinterest0

Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam

Hiểu về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra những đường hướng rõ ràng hơn trong việc tận dụng những cơ hội và ý thức được rủi ro khi “cơn bão” chuyển đổi số đang ở ngay ngưỡng cửa.

Theo PV Hoàng Thu – Thời báo kinh tế Việt Nam

Đó là một đêm Paris trời nhiều mưa tuyết năm 2008, khi những người đồng sáng lập ra Uber, Travis Kalanick và Garrett Camp, lúc ấy vẫn là những người bạn, gặp khó khăn khi gọi một chiếc taxi. Dường như những nhà hàng tốt nhất của Paris và tháp Eiffel tráng lệ cũng không đủ khiến hai người trẻ này phân tâm khỏi một ý tưởng rực rỡ đang mắc kẹt dưới những đám mây xám. Năm 2009, công ty có tên UberCab ra đời, sau đổi tên thành Uber đã khiến cả thung lũng Silicon sửng sốt với dịch vụ đặt xe qua điện thoại thông minh, theo Business Insider. Với giá trị ước tính hiện lên tới khoảng 70 tỷ USD, Uber đang “phủ sóng” tại 570 thành phố trên thế giới và khiến cho ngành công nghiệp taxi truyền thống trên toàn cầu phải lao đao.

“Cơn lốc” Uber cũng không hiện hữu đâu xa mà có thể thấy ngay ở những thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội & TP. HCM.  Hiện nay số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu tại TP.HCM là dưới 20.000 xe trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, số lượng xe taxi vẫn giữ nguyên khoảng 11.000 xe. Uber sau khi vào Việt Nam 4 năm đã có tới khoảng 75.000 xe tham gia hệ thống. “Đây thực sự không phải một câu chuyện đùa khi bỗng một ngày đẹp trời các chủ doanh nghiệp mở mắt ra và thấy giá trị và lợi nhuận công ty bỗng bốc hơi hàng trăm ngàn tỷ. Đó là những thứ có thể diễn ra trong cuộc CMCN 4.0 khi mà có những sản phẩm và dịch vụ mới có khả năng đánh sập và thay thế luôn cả một ngành công nghiệp truyền thống”, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon chia sẻ.

Đi tìm định nghĩa chuẩn về CMCN 4.0

Trên thực tế, cụm từ CMCN 4.0 đang là một từ khóa xuất hiện nhiều trên các diễn đàn và mạng xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây và có nhiều tranh luận về việc nên hiểu định nghĩa về cuộc cách mạng này như thế nào cho đúng. “Một vài hội thảo về CMCN 4.0 ở Việt Nam chỉ mới nhìn nhận ở việc các startup non trẻ có thể tận dụng internet để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Tuy nhiên như thế là chưa đủ”, ông Nguyễn Sĩ Triều Châu, Người Sáng lập dự án khởi nghiệp Atoha, chuyên gia tư vấn và đào tạo PMP (Project Management Profesional) -Quản lý dự án chuyên nghiệp nhận định.

113542_12-9-cach_mang_cong_nghiep_lan_thu_4

Ông Châu dẫn lại định nghĩa về CMCN 4.0 của Bernard Marr từ tạp chí Forbes mà ở cuộc cách mạng này các máy tính và hệ thống tự động hóa sẽ kết hợp với nhau theo một cách hoàn toàn mới, với robot kết nối từ xa với các hệ thống máy tính được trang bị các thuật toán có thể học và điều khiển robot với rất ít đầu vào từ người vận hành. CN 4.0 cũng giới thiệu cái gọi là “nhà máy thông minh”, trong đó các hệ thống vật lý theo dõi quá trình vật lý của nhà máy và đưa ra các quyết định phân cấp. Các hệ thống vật lý trở thành “Internet kết nối mọi thứ” (Internet of Things), truyền đạt và phối hợp với nhau và với con người trong thời gian thực thông qua mạng không dây.

Trong cuốn sách “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ra mắt năm 2016, Giáo sư Klaus Schwab, sáng lập viên kiêm chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới đã khẳng định Nhân loại hiện đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (FIR), dựa trên cuộc cách mạng số, làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Đây là sự kết hợp công nghệ giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật: vạn vật kết nối, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo. Các thiết bị, dây chuyền sản xuất trên toàn cầu sẽ có một địa chỉ để nhận dạng, được kết nối với nhau thông qua internet. Viễn cảnh không xa cho một nền công nghiệp thông minh mà trong đó, các máy móc được kết nối với nhau, tự đưa ra quyết định, điều chỉnh toàn bộ quy trình sản xuất… sẽ khởi đầu cho việc thay đổi toàn bộ xã hội của loài người.

Cuộc CMCN 4.0 hay còn gọi là digital transformation (chuyển đổi số) sẽ chứng kiến những phương thức sản xuất mới dùng công nghệ số để tạo ra giá trị đột phá cho người dùng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chứ không chỉ ở mảng công nghệ.Những sản phẩm mới này tối ưu đến mức khiến người dùng mê mẩn và từ chối dùng những sản phẩm cũ.Trong cuộc cách mạng công nghiệp mới nhất này, thuật ngữ “disrupt” (đập gãy, phá vỡ) sẽ được xuất hiện rất nhiều, theo ông Quý. “Sẽ có những doanh nghiệp không làm gì sai mà vẫn chết”, ông Quý nói thêm. Đơn cử như ở ngành công nghiệp ô tô, tất cả các công ty ô tô trên thế giới bây giờ đang không phải là cạnh tranh với nhau nữa mà là đang rất lo sợ với các sản phẩm xe tự lái Google Tesla, Apple Car. Một số thành phố trên thế giới đã có luật cho phép xe tự lái được quyền chạy. Họ đã chạy thử nghiệm bằng mô hình nhỏ và cho thấy xe tự lái có khả năng xử lý tình huống tốt hơn và xác xuất gây tai nạn ít hơn. “Rõ ràng, nếu như các công ty ô tô như Honda, Toyota, Nissan không thay đổi thì sẽ bị “disrupt” vào một ngày nào đó giống như cách mà Nokia bị trượt dài trong ngành sản xuất điện thoại.

Cơ hội và thách thức hòa trong cuộc cách mạng mới

Theo những người trong cuộc, tại thời điểm cuối của mỗi cuộc cách mạng sẽ có cơ hội cho người đến sau, tạo cơ hội cho những nước kém phát triển hơn như Việt Nam bật lên. Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) và các công ty CNTT của Việt Nam không hề yếu so với các nước trong khu vực. Chủ tịch Novaon tâm sự, khi đi phát triển ra các nước xung quanh như Indonesia, Thái Lan thì thấy công ty mình có thể cạnh tranh được với các đối thủ ở đây trong khi GDP và những ngành khác của họ đánh mình tơi tả. GDP trên đầu người của Thái gấp 3 lần VN, Indonesia cũng gần gấp đôi VN. Thế nhưng ngành CNTT của Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia này.  “Như vậy là Việt Nam có cơ hội. Đương nhiên là phải đi đúng hướng đặc biệt là trong thời điểm này khi các quốc gia khác có thể chưa biết tranh thủ cơ hội bằng mình”, ông Quý nói.

FullSizeRender_3

Khi cả thế giới đang phát triển theo xu thế chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cơ hội lớn sẽ mở ra cho các quốc gia chuyên gia công phần mềm như Việt Nam. Ngành công nghệ thông tin VN hiện đang thu hút hơn 400.000 lao động có trình độ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, công nghiệp phần mềm được đánh giá có nhiều tiềm năng khi VN nằm trong top 10 nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới.

VN hiện đang sở hữu lực lượng kỹ sư CNTT trẻ giỏi và tiềm năng. “Chi phí cho nhân lực trong lĩnh vực này thấp hơn nhiều so với ở các nước phát triển như Mỹ và đây chính là một lợi thế vô cùng lớn mà các doanh nghiệp có thể tận dụng để nắm bắt cơ hội nhiều hơn trong cuộc CMCN 4.0”, ông Phan Kim Đôn, một Việt Kiều Mỹ, người sáng lập taembe.com nhận định. Minh chứng là ngay cả công ty khởi nghiệp từ nước ngoài cũng đã bắt đầu để ý thành lập văn phòng ở Việt Nam để thu hút và tận dụng nguồn nhân sự CNTT trong nước. Ông Trần Việt Hùng, Sáng lập viên của GotIt! – một nền tảng chia sẻ kiến thức cho nhu cầu có trụ sở tại thung lũng Silicon từng hé lộ đội ngũ kỹ sư CNTT tại văn phòng của công ty này đặt tại Hà Nội đã giúp startup này có được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ tại Mỹ do chi phí chi trả cho các vị trí tương tự tại Mỹ vô cùng đắt đỏ. GotIt! cũng đã liên tục công bố các kế hoạch tuyển người rầm rộ tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Lợi thế nhân công giá rẻ vẫn được các doanh nghiệp VN sử dụng, tuy nhiên công nghệ kỹ thuật số đã và sẽ tiếp tục tác động đến ngành công nghiệp sản xuất. Các công ty sản xuất đứng trước cơ hội để chuyển đổi hoặc bị bỏ lại phía sau. “Những công ty biết tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng kỹ thuật số và chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp CN 4.0 nhiều khả năng sẽ gặt hái quả ngọt”, ông Châu nói. Một nhà máy hoặc hệ thống được coi là CN 4.0 phải bao gồm: Khả năng tương tác: máy móc, thiết bị, cảm biến và con người kết nối và giao tiếp với nhau; Thông tin rõ ràng: các hệ thống tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý thông qua dữ liệu cảm biến để bối cảnh hoá thông tin; Hỗ trợ kỹ thuật: cả khả năng của hệ thống để hỗ trợ con người trong việc ra quyết định và giải quyết vấn đề và khả năng hỗ trợ con người với các nhiệm vụ quá khó khăn hoặc không an toàn cho con người và Quyết định phân cấp: khả năng của các hệ thống vật lý trực tuyến để ra các quyết định đơn giản hoặc trở nên càng tự động càng tốt.

Tuy vậy, các doanh nghiệp nếu không nhận thức được rủi ro từ những đối thủ có khả năng cạnh tranh với ngành của mình và nhanh chóng chuyển đổi mô hình của mình thì nguy cơ bị đào thải là rất cao. Việc ứng dụng công nghệ và phần mềm vào quản trị doanh nghiệp không hẳn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có ít hay nhiều tiền mà phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo.  Các doanh nghiệp biết ứng dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ đưa vào quản trị thì doanh nghiệp có thể xây dựng năng lực lõi tốt hơn từ đó có năng lực quản trị, năng lực tạo ra giá trị tốt hơn và không bị phụ thuộc vào việc thị trường có thể bị xuống dốc. “Việc làm ăn của doanh nghiệp, từ đó cũng không phụ thuộc một số các mối quan hệ hay một số khách hàng nhất định mà sẽ phát triển theo hướng bền vững hơn bền vững hơn”, ông Quý nói.

Quay trở lại với câu chuyện về giải quyết những thách thức mà “cơn lốc” Uber đang mang lại, các doanh nghiệp vận tải sẽ có cơ hội nếu biết hòa mình theo xu hướng thị trường nói chung. Vinasun đã bắt đầu ra app riêng và tận dụng lợi thế sẵn có của mình như một mạng lưới hàng nghìn xe sẵn có, giá cả ổn định – thứ mà Uber không có được (giá dịch vụ của Uber thường bị tăng gấp 2 hay 3 lần khi trời mưa hoặc giờ cao điểm)… “Các doanh nghiệp không thể chống lại cả một xu thế mà cần hòa mình vào nó, cần đánh vào những điểm yếu của đối thủ và tận dụng những điểm mạnh của mình. Bản chất ở đây là cần tạo ra những sản phẩm khiến người dùng thực sự ưa thích”, ông Quý nói. Hay nói theo cách của Robert Kennedy, một chính trị gia người Mỹ “Tương lai không thuộc về những người bằng lòng với hôm nay, hay vô cảm với những việc chung và những người cùng hoàn cảnh, hay sợ hãi với những ý tưởng mới, những dự án táo bạo. Mà tương lai phụ thuộc vào những người có thể kết hợp, phối hợp tầm nhìn, lý trí, can đảm, để nỗ lực bản thân sống vì tầm nhìn, lí tưởng, để tạo ra những công ty vĩ đại cho xã hội”.